Câu đố: Vị trí mà các sinh viên năm cuối của bất kỳ một trường trung cấp, cao đẳng hay đại học nào cũng phải trải qua là gì? Đáp án chính là Intern. Ồ vậy Intern là gì nhỉ? Intern làm công việc gì? Làm sao để chuẩn bị cho bản thân đầy đủ trước khi trở thành Intern đây? Các bạn có thắc mắc không? Hãy cùng mình giải đáp những thắc mắc trên và bỏ túi vài lưu ý nho nhỏ trước khi chập chững bắt đầu hành trình của một Intern trong bài viết dưới đây nhé!
Xem Nhanh Mục Lục
Intern là gì?
Intern là viết tắt của từ Internship trong tiếng Anh, dùng để chỉ các bạn sinh viên đã hoặc chưa tốt nghiệp đang làm việc tại các công ty doanh nghiệp nhằm mục đích tích lũy kinh nghiệm, rèn luyện kỹ năng và trải nghiệm môi trường làm việc trước khi thực sự ứng tuyển vào một vị trí chính thức. Đối với các “bô lão” năm ba năm tư đại học thì có lẽ không còn xa lạ gì với Intern nữa. Thôi thì nói Intern làm gì cho lạ lẫm, cứ gọi là thực tập sinh thì chắc là ai cũng biết.
Hiện năng thế hệ trẻ vô cùng năng động, nhiều bạn từ năm hai năm ba thậm chí mới năm nhất cũng đã bắt đầu rục rịch tìm kiếm một vị trí Intern để có được cơ hội học hỏi tại môi trường làm việc chuyên nghiệp bên ngoài giảng đường. Tất nhiên nắm bắt xu hướng đó, nhiều công ty cũng khá linh hoạt trong việc tuyển dụng các Intern trẻ, tạo ra rất nhiều cơ hội phát triển cho sinh viên. Miễn là bạn có đủ động cơ và quyết tâm cứ dũng cảm nộp hồ sơ và học hỏi, bạn sẽ gặt hái được những trải nghiệm hữu ích bất ngờ.
Intern làm công việc gì?
Quả thật nếu muốn trả lời câu hỏi này chắc mình phải liệt kê ba ngày mới hết mất, bởi vì công việc của Intern hay còn được gọi là Internship thực sự rất đa dạng và mỗi công ty, ở mỗi lĩnh vực lại tuyển Intern ở một vị trí khác nhau. Dựa theo đặc trưng của chuyên môn ngành học, bạn có thể ứng tuyển vào các vị trí phù hợp nhất với mình và trải nghiệm.
Quá trình tiếp xúc với công việc sẽ giúp sinh viên đánh giá được thế mạnh và điểm yếu của bản thân, những gì cần học thêm cần sửa đổi, cũng như xem xét mức độ phù hợp của bản thân bạn với công việc tới đâu, có nên tiếp tục hay không? Nhưng bao năm qua bạn chỉ biết làm bạn với sách vở thì kinh nghiệm đâu ra mà làm việc đây?
Đây chính là điểm hấp dẫn nhất của việc làm thực tập sinh, đó là bạn sẽ được giảng giải và chỉ dẫn các kỹ năng làm việc bởi chính các anh chị hướng dẫn, những người đang là nhân viên chính thức làm việc tại công ty.
Thêm nữa, các công ty đang ngày càng chú trọng việc đào tạo cho các Intern trở thành đội ngũ dự bị phục vụ cho việc lựa chọn nhân sự chính thức tương lai, vì lẽ đó mà giờ đây phương pháp này không chỉ tạo ra cơ hội quý giá để thực tập sinh thể hiện và ghi điểm trong mắt nhà tuyển dụng mà còn giúp bản thân công ty tiết kiệm được chi phí đào tạo nhân sự mới. Quả là một công đôi việc!
Những tips bỏ túi siêu xịn cho sinh viên thực tập:
- Trước khi thực tập: Hãy tìm kiếm nơi thực tập phù hợp.
Thế nào là một chỗ thực tập phù hợp? Đó phải là những công ty, tổ chức, vị trí liên quan đến nghề nghiệp tương lai của bạn sau này. Bạn không thể học chuyên ngành về Marketing, muốn trở thành Marketer mà lại đi thực tập vị trí kế toán được.
Thêm nữa môi trường thực tập phải là nơi bạn có thể học hỏi được nhiều nhất và rèn luyện bản thân được nhiều nhất. Việc bạn gặp ai và được ai dẫn dắt trong những năm đầu đời là vô cùng quan trọng, nó quyết định những năm tháng sau này khó khăn hơn hay dễ dàng hơn cho bạn trên con đường lập nghiệp.
Cuối cùng, vấn đề nhạy cảm nhất khi tìm việc, lương bổng. Trên thực tế có hai loại thực tập: thực tập không lương và thực tập có lương. Lương của nhân viên thực tập vốn không nhiều (dao động từ 1-4 triệu/tháng) nhưng bạn cũng không nên đặt nặng vấn đề này quá, bởi vì mục đích của Intern vẫn là học tập và tích lũy kinh nghiệm là chính mà.
- Trong khi thực tập: Phải chủ động học hỏi, phải chủ động học hỏi, phải chủ động học hỏi (điều quan trọng nói ba lần :))).
Dù cho ở bất kỳ môi trường nào chỉ có việc chủ động học hỏi mới có thể giúp bạn phát triển và hoàn thiện bản thân. Chưa nói đến ở nơi công sở ai cũng có phần việc riêng cần làm, dù bạn có được mọi người hướng dẫn và giúp đỡ đi nữa thì cũng chỉ ở một mức độ nào đó mà thôi, cái chính yếu là bản thân bạn phải tự thân vận động, tự mình tư duy.
Đặc biệt sự chủ động của bạn còn thể hiện ở kỹ năng quan sát cách làm việc của mọi người, cách ứng xử và tác phong chuyên nghiệp của các anh chị đồng nghiệp. Những gì mắt thấy tai nghe này sẽ trở thành hành trang cực kỳ hữu ích cho công việc của bạn sau này đấy.
Bên cạnh đó, bạn nên thể hiện thái độ cầu thị và trung thực thông qua việc đi làm đúng giờ, sẵn sàng làm thêm giờ, giữ mối quan hệ tốt đẹp và kết nối với đồng nghiệp. Hãy thể hiện rằng bạn đang cực kỳ nghiêm túc và có trách nhiệm với công việc.
Ngoài ra, có một số lỗi mà người mới hay mắc phải như trang phục không phù hợp chẳng hạn. Do vậy bạn cũng đừng quên tìm hiểu và lựa chọn đúng phong cách ăn mặc để luôn chỉn chu tại nơi làm việc nha.
- Sau khi thực tập: Cập nhật những kiến thức mới, học cách chấp nhận sự thật và trở nên chuyên nghiệp hơn.
Thật ra nhiều bạn đi thực tập rồi mới biết, thực hành nó khác với lý thuyết lắm và nhiều khi “thực tế cứ vả vào mặt mình bôm bốp” ấy. Nhưng mỗi một lần vấp ngã là một lần đứng lên, làm Intern sẽ khiến bạn ngã nhiều nhưng cũng sẽ giúp bạn đứng dậy ngày càng vững.
Tổng Kết
Dù cho lĩnh vực bạn đang theo đuổi là gì, Intern luôn là cơ hội tuyệt vời để bạn bước ra khỏi giảng đường, áp dụng những kiến thức trong giáo trình và slide bài giảng giải quyết những vấn đề cụ thể và phức tạp trong thế giới thực. Đây sẽ là bước đà lớn để bạn làm quen và tích lũy kinh nghiệm, chuẩn bị cho những bước tiến xa hơn nữa trong kế hoạch cuộc đời.